Gốm Chu Đậu - Mỹ Xá, còn được biết đến là gốm Chu Đậu, là gốm sứ cổ truyền Việt Nam đã được sản xuất tại vùng mà nay thuộc làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Minh Tân (làng Mỹ Xá) và Thái Tân (làng Chu Đậu), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng (Hải Dương ngày nay).
Được biết đến là dòng gốm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII- XIV. Phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI nhưng đến thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu gần như bị thất truyền. Đã có thời điểm công nghệ chế tác gốm, men của Chu Đậu trở thành điều bí ẩn với giới khoa học cũng như những người làm gốm. Tuy nhiên qua các nghiên cứu, khảo cổ tại thôn Chu Đậu cùng với những mẫu vật gốm cổ tìm được tại con tàu đắm Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định chắc chắn về sự hưng thịnh của Chu Đậu, tinh hoa một dòng gốm Việt Nam.
Ngày nay, gốm Chu Đậu thu hút được khá nhiều khách du lịch từ trong nước và quốc tế do làng nghề gốm đã được khôi phục và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Kết hợp giữa chất men truyền thống và kỹ thuật làm gốm hiện đai, gốm Chu Đậu đã tạo ra rất nhiều sản phẩm không chỉ được người dân đất Việt đón nhận tích cực mà còn xuất khẩu rất nhiều đến các quốc gia như Anh, Nhật, và các nước châu Phi.
Đặc điểm Gốm Sứ Chu Đậu
Gốm Chu Đậu nổi tiếng vì “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… đều thuần Việt và đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật thời bấy giờ.
Nguyên liệu gốm là đất sét trắng lấy từ Chí Linh, nơi dòng Lục Đầu Giang. Trải qua quá trình lọc, lắng, ủ sét... công phu, hồ gốm được cho vào khuôn, tạo hình bằng bàn xoay, chuốt dáng khéo léo để tạo nên sản phẩm.
Tiêu biểu nhất cho gốm Chu Đậu cổ là bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà, được gọi là bình cha, bình mẹ, tượng trưng cho âm dương giao hòa.
Bên cạnh những hoa văn cổ, gốm Chu Đậu giờ đây cũng có nhiều hình ảnh mới lạ như các thắng cảnh các vùng miền theo lối tả thực, kết hợp truyền thống và hiện đại.
Không chỉ độc đáo ở xương gốm, gốm Chu Đậu còn khác biệt nhờ phương pháp vẽ dưới men, hoa văn có màu nâu đất vẽ trên gốm thô màu trắng đục.
Ấn tượng nhất là men rạn, sau khi nung bằng nhiệt độ cao tạo nên các vết rạn như đường chỉ chạy trong lớp men.
Với dòng cao cấp, ở khâu cuối cùng, các sản phẩm được vẽ thêm hoa văn bằng vàng hóa lỏng, đưa giá thành lên tới hàng chục triệu đồng.